Bàn chân khoèo bẩm sinh ở trẻ sơ sinh

18/09/2014 15:14        
Theo các nghiên cứu y khoa, tỷ lệ trẻ bị khoèo chân hiện nay khoảng 1/1.000 (cứ 1.000 trẻ được sinh ra thì có 1 em bé có dấu hiệu bị khoèo chân). Khoèo chân bẩm sinh là một biến dạng ở bàn chân, nhận biết được ngay từ khi trẻ vừa chào đời.

Bàn chân khoèo bẩm sinh là một dị tật bàn chân xảy ra trong thời kỳ bào thai, bao gồm phần trước bàn chân nghiêng, xoay trong và bị kéo xuống dưới; phần gót chân bị kéo vào trong, một số cơ và dây chằng bị ngắn lại và co rút.
 Dị tật bàn chân khoèo hiếm khi phát hiện được bằng siêu âm trước tuần thứ 16 của thời kỳ mang thai. 
Khi trẻ chào đời, nếu phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường ở bàn chân cần phải được thăm khám và can thiệp sớm. 

Thế nào là tật bàn chân khoèo bẩm sinh?
Nếu con bạn sinh ra với 1 hoặc cả 2 bàn chân bị cong và xoay vào phía trong thì trẻ có thể đã bị mắc tật bàn chân khoèo bẩm sinh .
Nếu không được điều trị trẻ sẽ gặp khó khăn khi đi lại, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập và lao động

Làm thế nào để phát hiện sớm bàn chân khoèo bẩm sinh ở trẻ sơ sinh ?
Sau khi sinh nếu thấy bàn chân trẻ bị cong và xoay vào trong bạn nên hỏi ý kiến của nhân viên y tế.
Trường hợp trẻ bị tật bàn chân khoèo bẩm sinh, bàn chân sẽ không thể kéo thẳng ra được và không thể đưa bàn chân vào tư thế bình thường. Khi gãi nhẹ vào lòng bàn chân, bàn chân không thể tự đưa về vị trí bình thường mà vẫn giữ tư thế uốn cong và quay vào trong .

Cần phải điều trị tật bàn chân khoèo bẩm sinh khi nào?
Việc điều trị cho trẻ bị bàn chân khoèo nên được thực hiện sớm ngay từ sau khi sinh. Nếu có thể nên bắt đầu ngay từ ngày thứ hai sau khi sinh, vì khi đó xương, khớp và các dây chằng của trẻ vẫn còn mềm dễ uốn chỉnh. Nếu trẻ lớn hơn xương của trẻ sẽ cứng hơn và biến dạng nặng làm cho việc điều trị khó khăn hơn.
Phần lớn trường hợp bàn chân khoèo bẩm sinh được chỉnh hình thành công bằng nẹp chỉnh hình, bó bột hoặc dùng băng thun mà không cần phẫu thuật trong vòng từ 6 đến 8 tuần. 
  
Sau khi bàn chân khoèo bẩm sinh đã được chỉnh hình thành công,  gia đình có cần làm gì nữa không ?
Sau khi bàn chân khoèo đã được chỉnh hình thành công không có nghĩa là trẻ sẽ lành vĩnh viễn mà bàn chân khoèo vẫn có nguy cơ tái phát. Vì vậy, phải ngăn ngừa tái phát bằng cách theo dõi sự phát triển bàn chân của trẻ và tập luyện cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
 
Với các phương pháp y học tiến bộ hiên nay, trẻ khoèo chân bẩm sinh hoàn toàn có thể được điều trị và phục hồi tốt, ít gây đau đớn.

BS.CKI. Lê Văn Đức 

Nguồn : - Theo tài liệu “Phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh phổ biến tại gia đình” của PGS. TS. Nguyễn Viết Nhân ; Nhà xuất bản Đại học Huế
 

Liên kết