Tu vấn hỏi đáp về các biện pháp tránh thai.

27/07/2017 15:27        
- Em mới cưới và đã sử dụng thuốc ngừa thai Marvelon vỉ màu xanh khoảng vài tháng, nay em mới chuyển sang vỉ màu hồng Mercilon. Em muốn ngừa thai thêm hai năm nữa. Tình trạng sức khỏe của em tốt. Xin hỏi bác sĩ có cách ngừa thai nào khác ngoài uống thuốc mà không gây hại về sau, nếu phải uống thuốc thì uống nhiều như vậy có tác hại gì đến về sau không? Uống như thế nào là tốt nhất? Chồng em có thể ngừa thai thay em được không? (em không dùng được bao cao su, vì hay bị rát). (Pham Ly, 25 tuổi, Huế)
 
- Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà: Tất cả biện pháp ngừa thai đều có ảnh hưởng đến người phụ nữ. Riêng biện pháp thuốc nội tiết tránh thai thì khi mình đưa một lượng nội tiết ngoại lai vào trong cơ thể sẽ gây ra ức chế rụng trứng nên là biện pháp này ngừa thai tốt. Nhưng bên cạnh đó cũng có vài tác dụng phụ như: tăng cân, nám da, đau đầu, căng ngực... Do đó, nếu dùng một loại thuốc liên tục kéo dài thì sẽ không tốt. Một năm nên dùng 10 tháng (2 tháng còn lại nên dùng biện pháp khác như: dùng bao...).
 
- Tôi 39 tuổi, đã có hai con. Tôi từng uống thuốc tránh thai (thuốc Diane 35) nhưng được 3 tháng thì ngừng bởi thấy không phù hợp (tăng cân, giảm ham muốn và cương ngực...). Tôi nghe nói có phương pháp tránh thai bằng cách tiêm hoặc dán miếng tránh thai. Xin hỏi bác sĩ ưu và nhược điểm của hai phương pháp trên? Phương pháp nào thì phù hợp với lứa tuổi của tôi? (Mai Linh, 25 tuổi, Hà Tĩnh)
 
- BS Hà: Dù là thuốc ngừa thai loại dán hay loại tiêm đều là thuốc nội tiết từ bên ngoài đưa vào cơ thể để ức chế rụng trứng. Bên cạnh đó, cả hai loại thuốc này đều có một số tác dụng phụ như: tăng cân, nám da, căng ngực, nhức đầu...
 
Phương pháp tiêm ngừa thai thì 3 tháng chích một lần. Trong khoảng thời gian này, người sử dụng không có hoặc có kinh ít.
 
Thuốc dán: một tuần phải dán một miếng, một tháng dán 3 tuần liên tục, nghỉ một tuần. Tuần thứ 4, người sử dụng sẽ có kinh như bình thường.
 
Cả hai phương pháp này đều phù hợp với lứa tuổi của chị. Tuy nhiên, cơ địa mỗi người sẽ thích hợp với một loại nội tiết khác nhau nên chị phải dùng thử để biết mình thích hợp với loại thuốc nào.
 
- Xin bác sĩ cho em hỏi: em lấy chồng được 7 tháng, mỗi tháng có dùng 2 viên tránh thai khẩn cấp, có tháng dùng 4 viên trong vòng 7 tháng, như vậy có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của em sau này không, dự định hai đứa em kế hoạch 2 năm vì chồng em làm bộ đội, em xin chân thành cảm ơn! (Thu Bền, 27 tuổi, Nha Trang)
 
- BS Hà: Thuốc ngừa thai khẩn cấp không phải là loại thuốc dùng thường xuyên để ngừa thai. Nó chỉ dùng cho trường hợp khẩn cấp, như: bao cao su bị thủng... Nếu lạm dụng thuốc sẽ gây bong tróc nội mạc tử cung nhiều lần dẫn đến rong kinh, rong huyết, khó điều trị. Hơn nữa, sự bong tróc nhiều lần của nội mạc tử cung sẽ gây khó khăn cho việc làm tổ của thai sau này.
 
- Em năm nay 28 tuổi vừa mới sinh con từ tháng 4. Em muốn nhờ bác sĩ tư vấn giúp sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả và an toàn nhất vì em có một khối u xơ tử cung, kích thước khi sinh 78mm x 63mm. Nếu em muốn dùng que cấy để tránh thai thì có được không? Em có cần phải kiểm tra trước khi cấy que tránh thai không? Khi cấy que tránh thai có gây ra các phản ứng phụ như đặt vòng không? (Hoàng Thị Thu, 28 tuổi, Đắk Lắk)
 
- Bác sĩ Hồ Thị Ngọc: Sử dụng biện pháp tránh thai nào thì tùy thuộc vào việc em có cho con bú hay không? Nếu em cho bú thì chỉ nên sử dụng loại thuốc ngừa thai uống chỉ có Progestin. Trên thị trường hiện nay có tên là Exluton. Thuốc này cũng có tác dụng tốt đối với u xơ tử cung.
 
Que cấy chống thai Implanon cũng có thể dùng, được bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh, sử dụng được trong 3 năm. Nếu muốn tiếp tục dùng sẽ lấy que cũ và cấy lại que mới sau thời hạn 3 năm. Cả hai thuốc Exluton và que cấy Implanon đều phù hợp cho người có u xơ tử cung.
 
Ngoài ra, em có thể đặt vòng có Progestin cũng rất thích hợp với người có u xơ tử cung. Tuy nhiên, hiện nay vòng còn chưa phổ biến trên thị trường Việt Nam.
 
- Em năm nay 29 tuổi (nhân viên văn phòng), có một con gái 11 tháng tuổi, em vừa cai sữa cho cháu. Xin bác sĩ cho biết ngừa thai bằng thuốc và đặt vòng phương pháp nào tốt hơn. Vì em hay bị viêm âm đạo, đặt vòng có ảnh hưởng gì không. Nếu uống thuốc ngừa thai thì nên chọn loại thuốc nào? (Vân Dung, 29 tuổi, Thái Nguyên)
 
- BS Hà: Đối với những người phụ nữ bị viêm âm đạo thì không được đặt vòng. Thủ thuật đặt vòng có thể làm cho tình trạng viêm nhiễm sinh dục nặng thêm, đặc biệt là sự chít hẹp ống dẫn trứng do viêm, dẫn đến hậu quả xấu nhất là vô sinh hoặc thai ngoài tử cung.
 
Thuốc ngừa thai có rất nhiều loại, nhiều dạng sử dụng khác nhau. Bạn có thể chọn những loại có hiệu quả ngừa thai cao, dễ sử dụng, dễ nhớ và ít tác dụng phụ. Ví dụ như: thuốc dán tránh thai (1 tuần dán 1 miếng, thực hiện trong 3 tuần liên tục). Đây là thuốc hấp thụ qua da, không qua đường tiêu hóa nên hiệu quả của thuốc không thay đổi khi bị tiêu chảy, ói mửa. Điều quan trọng của loại thuốc dán là nồng độ thuốc đưa vào máu ổn định nên ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, cơ địa mỗi người phù hợp với một loại thuốc khác nhau, nên bạn cần dùng thử để xác định loại nào phù hợp.
 
Nguyễn Thị Lý Oanh: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa
Sưu tầm theo kiến thức Y Khoa.
 
 

Liên kết