CHĂM SÓC SỨC KHỎE SẢN PHỤ SAU KHI SINH

21/12/2017 16:12        
1. Hiện tượng sản dịch
Sản dịch hay còn gọi là máu và dịch trong âm đạo chảy ra ngoài sau khi sổ nhau, thường ra nhiều trong những giờ đầu sau khi sinh, ban đầu ra nhiều sau đó giảm dần chấm dứt trong khoảng 1 đến 2 tuần. Nếu dịch không thoát ra được thì tử cung khó co hồi lại, dễ bị nhiễm trùng hậu sản.
Sau khi sinh các chị em nên vận động sớm và từ từ để giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục. Trường hợp ra quá nhiều máu cần đi khám ngay.

2. Những hiện tượng nguy hiểm sau khi sinh
Trường hợp xuất hiện những hiện tượng bất thường dưới đây cần báo ngay cho bác sĩ biết:
- Ngất, bất tỉnh
- Ra máu nhiều, máu dạng đỏ tươi hoặc kèm theo máu cục  
- Đau bụng dữ dội
- Nôn ói, tiêu chảy
- Máu và dịch tiết âm đạo có mùi hôi
- Vết mổ hoặc vết may tầng sinh môn sưng đau, rỉ máu
- Có nước tiểu, phân chảy từ âm đạo
- Người mệt mỏi, da xanh, xám, mặt nhợt nhạt
Ngoài dấu hiệu về thể chất nói trên, phụ nữ sau khi sinh còn có những thay đổi về cảm xúc, dễ xúc động, vui buồn thay đổi đột ngột, dễ cáu giận, biếng ăn, mệt mỏi khó ngủ…Người thân quen gần gũi nên động viên, thăm hỏi nhiều hơn. Các chị có thể xem tivi, đọc sách báo, nói chuyện với bạn bè.
Những dấu hiệu về tinh thần được xem là nguy hiểm nếu như không mất đi mà có chiều hướng phát triển mạnh hơn, dẫn đến không thể chăm sóc được bản thân và con được, lo sợ bị cô đơn cùng con cái, có ý định tự tử hoặc gây tổn thương đến đứa trẻ thì cần được đi khám và tư vấn bác sĩ càng sớm càng tốt.

3. Chăm sóc bầu vú
Càng về cuối giai đoạn mang thai bầu vú bắt đầu có sữa, không nên nặn vú bởi nó gây tác động đến sự co thắt của tử cung, dẫn đến những biến chứng gây đẻ non.
Sau khi sinh phụ nữ bắt đầu có sữa, bà mẹ nên cho con bú trong vòng 1 giờ dầu sau sinh là tốt nhất cho bé, giúp bé phát triển tốt về thể chất và tinh thần. 
Nếu vú bị cứng hoặc tắc sữa thì khi trẻ bú sẽ khó khăn, gây đau nhức nhiều, để giảm đau nên xoa bóp bầu vú, tắm vòi hoa sen, dùng đèn hồng ngoại chiếu kết hợp xoa bóp.
Nuôi con bằng sữa mẹ được không chỉ tốt cho sản phụ mà còn tốt cho cả trẻ sơ sinh, giúp sữa lưu thông tốt và cũng là phương án giúp cơ thể người mẹ nhanh chóng bình phục, cả về thể chất lẫn trạng thái tinh thần.

4. Chăm sóc vùng kín
Để giúp tử cung nhanh chóng trở lại bình thường thì nên chú ý giữ vệ sinh, đi đứng nhẹ nhàng. Chăm sóc vùng kín rất đa dạng như giữ gìn vệ sinh, đeo băng vệ sinh trong những ngày đầu va nhớ thay băng thường xuyên, khoảng 2 – 3 tiếng 1 lần, giữ gìn âm đạo luôn sạch và khô, ngoài ra cũng nên tăng cường hoạt động, không nên nằm nhiều, tăng cường thực phẩm giàu chât xơ để tránh táo bón…
Sau khi sinh có thể tắm gội bình thường, không nên ngâm mình dưới ao hồ hoặc trong bồn tắm, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi.

5. Một số cách giúp bình phục nhanh sau khi sinh
Nghỉ ngơi đầy đủ:
Do bị tổn thất nhiều năng lượng nên việc nghỉ ngơi sau khi sinh ở phụ nữ đóng vai trò quan trọng, tốt cả cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhất là những bà mẹ trẻ sinh con lần đầu.
Trong thời gian nghỉ ngơi, được mọi người quan tâm hỏi thăm là liệu pháp tinh thần tốt, giúp sản phụ khỏe và hồi phục nhanh.
Ăn uống khoa học:
Ăn uống khoa học sau khi sinh rất đa dạng như ăn nhiều rau xanh hoa quả, thực phẩm giàu protein như thịt, pho mát, thực phẩm dạng bột, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón, uống nhiều nước để tăng cường sữa.
Tuy nhiên cần hạn chế dùng đồ uống kích thích như chè, cà phê, coca, rượu bia, tăng cường nước hoa quả, sữa.
Chú ý đến các vết mổ:
Những người phải mổ khi sinh hoặc phải qua thủ thuật cắt tầng sinh môn thì phải giữ vệ sinh để tránh viêm nhiễm, đặc biệt là phải thường chăm sóc vết thương, giữ khô để tránh nhiễm trùng.
Một khi xuất hiện hiện tượng sưng tấy, rỉ máu, dịch mủ phải đi khám bác sĩ ngay.
Phụ nữ sau khi sinh nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng:
Những bài tập thể thao này sẽ giúp co khít cơ niệu đạo, cơ âm đạo, tránh bị són tiểu sau này, trường hợp bị táo bón có thể chườm nước nóng, tắm nước nóng, xoa bóp vùng trên xương mu, quanh vùng bụng.
Chú ý về tắm giặt:
- Phụ nữ sau khi sinh không nên kiêng tắm, tắm giặt sớm làm sạch các tế bào chết trên da giúp da sáng khỏe.
- Nên tắm bằng nước ấm, trong phòng kín, cũng có thể tắm nước ấm và nước lạnh kết hợp để giúp máu tuần hoàn tốt.
- Nhiệt độ phòng ngủ nên duy trì ở mức 25oC, phù hợp cho cả mẹ lẫn con.

6. Vấn đề tình dục sau khi sinh
Vấn đề tình dục sau khi sinh được coi là tế nhị, làm cho nhiều người phân vân và ít được đề cập, nhất là những người làm mẹ lần đầu. Lý do đơn giản là sợ đau giống như khi sinh.
Thực ra sau thời gian hậu sản, khoảng 6 tuần, nếu sức khỏe tốt người phụ nữ có thể quan hệ tình dục được rồi. 
Tuy nhiên, việc làm này cần phải có sự đồng thuận của cả hai, mọi thao tác phải nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho phụ nữ, đây là lý do gây căng thẳng và làm cho phụ nữ sợ giống như tổn thương, đau khi sinh. Ngoài ra cũng nên tránh các kiểu sex bằng miệng bởi lẽ nó có thể gây viêm nhiễm âm đạo và không vệ sinh do mẹ phải tiếp xúc thường xuyên với bé.

7. Một số cách giảm cân sau khi sinh
- Nên uống mỗi ngày từ 10-12 cốc nước, không nên uống nước đóng chai, có chứa gas mà thay bằng nước hoa quả, nước lọc.
- Tăng cường thịt nghèo, như thịt gà, thịt bò, cá.
- Tăng cường thực phẩm dạng hạt, hạn chế thực phẩm chế biến quá kỹ.
- Nên tăng cường luyện tập thể thao ngay sau khi hồi phục theo phương án nhẹ nhàng và tăng dần đều.
- Nên nuôi con bằng sữa mẹ, đây là cách tốt nhất cho cả mẹ lẫn con, trong đó có tác dụng giảm cân và duy trì vẻ đẹp tự nhiên cho cơ thể phụ nữ sau khi sinh.

Huỳnh Thị Lệ Xuân: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa 
Nguồn sưu tầm bệnh viện phụ sản Hà Nội

 

Liên kết