NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ

12/12/2022 09:46        

                                                      NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

Thực hiện Công văn 7090/BYT-BMTE ngày 06/12/2022 của Bộ Y tế về việc triển khai Quyết định số 5913/QĐ-BYT ngày 29/12/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt tài liệu "Tiêu chí và hướng dẫn đánh giá công nhận Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc". Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản đã  triển khai công tác tuyên truyền các hoạt động nhằm thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở y tế. 

Nuôi con bằng sữa mẹ là việc cho bé bú hoàn toàn bằng sữa được tiết ra từ vú của người mẹ trong suốt 6 tháng đầu đời. Trong thời gian đó, trẻ chỉ bú mẹ mà không cần phải bổ sung bất kỳ thức ăn hay đồ đồ uống nào khác kể cả uống nước.

  • Cung cấp nguồn dinh dưỡng đa dạng,, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu đời.
  • Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ về thể chất và đặc biệt là giúp trẻ phát triển trí não tối ưu.
  • Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là  tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.
  • Giúp chống dị ứng cho trẻ
  • Sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thu, phù hợp với hệ tiêu hóa non yếu của trẻ giai đoạn này
  • Sữa mẹ luôn được sạch sẽ, sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp khi trẻ bú trực tiếp

Lợi ích đối với mẹ

  • Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp mẹ nhanh chóng xổ rau, kích thích co hồi tử cung và giảm nguy cơ chảy máu.
  • Cho trẻ bú ngay và thường xuyên sẽ kích thích tăng cường sản xuất sữa, phòng cương tức vú cho mẹ.
  • Tiện lợi và tiết kiệm tài chính
  • Giúp tăng cường gắn kết tình cảm mẹ con.
  • Giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng 
  • Giúp chậm có kinh nguyệt và được coi là một biện pháp tránh thai tự nhiên cho mẹ

Bên cạnh đó, thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ còn đem lại nhiều lợi ích với xã hội như giảm nguy cơ giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ từ đó giúp giảm các chi phí y tế khi điều trị cho nhóm đối tượng này.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tăng cường gắn kết tình cảm mẹ con

Một số nguy cơ của việc không nuôi con bằng sữa mẹ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ không được bú mẹ hoàn toàn có thể tăng nguy cơ tử vong khi mắc phải một số bệnh trong những năm tháng đầu đời  như: 45% tử vong do nhiễm trùng sơ sinh, 30% tử vong do tiêu chảy cấp, 18% tử vong do nhiễm trùng hô hấp cấp ở trẻ dưới 5 tuổi. Các thống kê cũng cho thấy những trẻ không được bú mẹ có nguy cơ tử vong cao hơn 14 lần so với trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Những trẻ uống sữa công thức hoàn toàn thường dễ mắc tiểu đường tuýp 2 hơn so với trẻ được bú sữa mẹ. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ rất dễ bị mắc phải các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, dị ứng, viêm phổi, các bệnh về đường ruột… do sữa công thức không thể cung cấp những kháng thể cũng như nhiều loại  men tiêu hóa tự nhiên như sữa mẹ.. 

Đối với người mẹ, việc không nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, buồng trứng. Bởi việc cho con bú còn có khả năng giảm số chu kỳ rụng trứng lại, đảm bảo nội tiết của mẹ sẽ ổn định khi đến tháng. Khi nội tiết được ổn định cũng góp phần giúp mẹ có hệ sinh sản khỏe mạnh hơn.

Cách cho bé bú mẹ đúng chuẩn:

– Ôm bé trước ngực, sao cho cằm bé áp vào ngực mẹ. Lưu ý, không chạm vào mũi bé, hoặc nếu có cũng chỉ chạm rất nhẹ

– Đưa nhẹ đầu vú vào miệng bé, quầng vú nằm gọn trong miệng. Tránh để bé phát ra tiếng chóp chép.

– Dùng tay đỡ lưng và vai cho bé                                               

– Khi muốn cho bé ngưng bú, dùng ngón tay út chèn vào giữa hai hàng nướu và tách đầu vú ra khỏi miệng.

 Cho con bú có đau không?

Với những mẹ lần đầu cho con bú, có thể cảm thấy hơi đau nhẹ khi chưa quen. Tuy nhiên, nếu thường xuyên cảm thấy đau khi cho con bú, mẹ nên xem lại. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ đang cho bé bú không đúng cách.

Nếu cảm thấy đau, mẹ nên ngừng việc cho bé bú và thử lại với một vị trí ít đau hơn. Khi cho bú đúng cách, phần lớn quầng vú của mẹ sẽ được miệng bé bao trùm, đầu vú nằm sâu trong miệng.

Chế độ dinh dưỡng khi nuôi con bằng sữa mẹ

Chế độ dinh dưỡng của những bà mẹ cho con bú cũng cần sự đa dạng và đầy đủ để vừa giúp mẹ phục hồi sức khỏe, vừa đảm bảo lượng sữa dồi dào cho con.

Theo nghiên cứu, mẹ nên bổ sung thêm 200 -250 calories mỗi bữa trong giai đoạn cho con bú mẹ. Tăng cường trái cây, rau xanh và những món ăn lợi sữa như móng giò hầm đu đủ, khoai lang, nếp… Đồng thời, mẹ nên hạn chế uống bia, rượu, thức uống có caffein, thuốc… để tránh làm “ô nhiễm” dòng sữa khi cho con bú.

Làm gì khi mẹ bị thiếu sữa?

Khi cho con bú đúng cách, cơ thể mẹ ít khi xảy ra tình trạng thiếu sữa. Trừ một số trường hợp như

- Vú không phát triển đầy đủ trong thời kỳ mang thai - điều này có thể xảy ra nếu vú mẹ không có đủ mô sản xuất sữa (tuyến tạo sữa).

- Đã trải qua phẫu thuật hay xạ trị ở vú. 

- Mất cân bằng nội tiết tố.

- Dùng một số loại thuốc ảnh hưởng tới sản xuất sữa.

Có nhiều cách cải thiện dòng sữa như chế độ dinh dưỡng, cách cho con bú, massage bầu ngực… Mẹ cũng có thể nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia để giải quyết tình trạng này. Tuy không hoàn hảo như sữa mẹ, nhưng các nhãn hiệu sữa công thức hiện nay cũng đã được bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất tương tự như sữa mẹ.

Ngực mẹ nhỏ có ảnh hưởng đến lượng sữa cho con?

Thực tế, kích cỡ vòng 1 không ảnh hưởng gì đến lượng sữa cho con bú. Vì các mô mỡ tạo nên sự tròn trịa của bầu ngực hoàn toàn không liên quan đến khả năng tạo sữa, nên các mẹ có vòng một “khiêm tốn” vẫn có thể tạo đủ lượng sữa cần thiết cho bé như các mẹ có vòng một “căng đầy”.

Cho con bú mẹ: Bao nhiêu là đủ?

Tùy theo cân nặng, nhu cầu và sức bú mà lượng sữa trẻ tiêu thụ mỗi ngày sẽ có sự khác nhau. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, mẹ nên cho bé bú từ 8-12 cữ bú/ ngày và mỗi cữ nên cách nhau khoảng 2 tiếng. Trung bình, các bé từ 1- 6 tháng tuổi có thể bú khoảng 750 ml sữa mỗi ngày./.

Nguồn: Internet

 

 

Liên kết