NHIỄM KHUẨN LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC Ở VỊ THÀNH NIÊN - THANH NIÊN

01/03/2023 10:06        

                             

       1. Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) là gi?

      Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) là nhiễm khuẩn lây từ người này sang người khác chủ yếu qua quan hệ tình dục có xâm nhập không sử dụng các biện pháp an toàn. Các nhiễm khuẩn LTQĐTD thường gặp như: lậu, giang mai, Chlamydia, sùi mào gà, Herpes sinh dục, HIV, viêm gan B, viêm gan C...

      Vị thành niên có nguy cơ cao bị lây nhiễm các nhiễm khuẩn LTQĐTD do xu hướng hoạt động tình dục sớm, thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng các biện pháp thực hành tình dục an toàn; khi mắc bệnh LTQĐTD thường không điều trị hoặc điều trị muộn (vì không biết hoặc không dám nói ra) khiến nguy cơ làm bệnh của mình nặng lên và nguy cơ lây nhiễm bệnh LTQĐTD của bạn tình tăng lên.

       Nguy cơ lây nhiễm các nhiễm khuẩn LTQĐTD ở các bạn nữ cao hơn các bạn nam do cấu trúc sinh học. Do niêm mạc âm đạo ở phụ nữ trẻ mỏng hơn và nhạy cảm hơn do với da bộ phận sinh dục nam nên vi khuẩn, vi rút dễ xâm nhập hơn. Ngoài ra, môi trường ẩm của bộ phận sinh dục nữ cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

       2. Dấu hiệu nghi ngờ mắc nhiễm khuẩn LTQĐTD

                          Nhiễm vi rút Herpes simplex  (HSV)

       Hầu hết các nhiễm khuẩn LTQĐTD ở giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu rõ ràng nên người bệnh dễ bỏ qua. Dưới đây là một số dấu hiệu chỉ điểm báo cho bạn biết có thể bạn đã bị mắc nhiễm khuẩn LTQĐTD:

       - Ngứa bộ phận sinh dục hoặc xung quanh vùng sinh dục hậu môn;

       - Cảm giác rát bỏng, đau khi đi tiểu, tiểu rắt, són;

       - Sùi hoặc phồng rộp hoặc loét đầu dương vật, âm đạo và hậu môn hoặc miệng;

       - Chảy dịch tiết hoặc mủ từ dương vật, âm đạo. Ở nữ giới thường có hiện tượng tăng tiết khí hư, màu trắng đục, vàng hoặc xanh và có mùi hôi hoặc tanh;

       - Nổi hạch bẹn và đau;

       - Đau bụng dưới ở nữ giới;

       - Chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu sau khi giao hợp.

 

                         Nhiễm Vi rút Human papilloma (HPV)

      3. Cách xử trí khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc nhiễm khuẩn LTQĐTD

- Không tự đoán bệnh và tự chữa hoặc chữa theo sự mách bảo của người khác hoặc tại các cơ sở y tế “chui”;

- Đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Khám và điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Khám và điều trị cho cả 2 người (bạn tình hoặc vợ, chồng). Trong thời gian điều trị, tốt nhất không nên giao hợp, nếu có giao hợp phải sử dụng bao cao su đúng cách;

- Trung thực khi trả lời các câu hỏi của y bác sỹ để giúp cho chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời;

- Tuân thủ triệt để khi điều trị. Dùng đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian trong ngày và đúng thời gian cho cả đợt điều trị, không tự ý ngừng thuốc khi thấy hết dấu hiệu bệnh, bởi bệnh có thể trở thành mãn tính;

- Khám lại theo lời hẹn của bác sĩ.

      4. Phòng tránh nhiễm khuẩn LTQĐTD

- Thực hiện tình dục an toàn;

- Dùng riêng các dụng cụ tiêm chích qua da như bơm kim tiêm, xăm trổ...;

- Không quan hệ tình dục khi đang say rượu hoặc dùng chất kích thích;

- Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục;

- Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục;

- Tiêm phòng viêm gan B và HPV;

- Đi khám ngay nếu phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc nhiễm khuẩn LTQĐTD.

     Các bạn hãy đến với chúng tôi tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Khánh Hòa để được các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm thăm khám, tư vấn và điều trị hiệu quả về các bệnh nhiễm khuẩn LTQĐTD cho Vị Thành niên, Thanh Niên.

     Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Khánh Hòa

     Địa chỉ: số 36- Yết Kiêu, phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

     ĐT: 02583 812 607.

                             Nguồn:   Khoa Chăm sóc sức khỏe Vị Thành Niên, Thanh Niên – Hỗ trợ sinh sản, Nam học

                                                                        Phó Trưởng khoa Nguyễn Thị Lệ Thủy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Liên kết