TAI SAO CẦN QUAN TÂM SỨC KHỎE TUỔI VỊ THÀNH NIÊN.

28/08/2017 14:43        
Vị thành niên thường thiếu kiến thức về tình dục, tránh thai, thụ thai như thế nào, các dấu hiệu của thai nghén, các viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt, các vị thành niên trẻ có thể không thú nhận có quan hệ và không nghĩ là sẽ có thai sau một lần quan hệ, do đó không có biện pháp phòng ngừa khi quan hệ tình dục.

Vị thành niên cần được quan tâm đến những nhu cầu phát triển về mọi mặt như: sức khỏe, sự phát triển tình cảm và hành vi, những biểu hiện xã hội, mối quan hệ gia đình và xã hội, sự giáo dục của gia đình và xã hội và nhất là kỹ năng tự chăm sóc bản thân.

Những mối quan hệ này nếu không được gắn kết chặt chẽ sẽ khiến trẻ hạn chế tiếp cận với người lớn để giải đáp những thắc mắc của mình về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.

Do vậy, trẻ vị thành niên cần một môi trường thuận lợi để có thể biểu lộ nhu cầu, những nỗi sợ hãi và những lúng túng trong giai đoạn giao thời này. Môi trường đó có thể là dịch vụ y tế “thân thiện với vị thành niên” để đảm bảo rằng vị thành niên được tiếp cận với dịch vụ lúc cần thiết.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của của các phương tiện thông tin đại chúng để người lớn có cái nhìn toàn diện hơn về thanh thiếu niên, tổ chức cho thanh niên tham gia những hoạt động của cộng đồng nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa thanh niên và người lớn, giáo dục cộng đồng hiểu về các nhu cầu của thanh niên, những đóng góp tích cực của thanh niên với cộng đồng, và các phương pháp giúp đỡ vị thành niên tốt hơn, qua đó cung cấp cho vị thanh niên các kỹ năng cần thiết để có thể có đủ bản lĩnh vững bước vào đời.

Trong lĩnh vực y tế, cần đầu tư và đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trở nên thuận tiện, dễ tiếp cận và thoải mái với tất cả vị thành niên bằng cách quảng cáo các hình thức sẵn có dành cho thanh niên thông qua giáo dục, và các hoạt động ngoại tuyến, cũng như các chương trình công cộng, làm cho vị thành niên cảm thấy hài lòng về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao các dịch vụ y tế này để bảo vệ quyền lợi của vị thành niên giúp cho các em nhận được sự hỗ trợ tốt nhất và hiệu quả nhất. Tổ chức các chương trình giao lưu, nói chuyện về các chủ đề liên quan với tuổi vị thành niên như sức khỏe sinh sản, quan hệ giới tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân, các quan điểm về sống thử, các dấu hiệu của thai nghén và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng và hoạt động thể chất.

Xây dựng gia đình vững chắc để có thể hỗ trợ vị thành niên, trong đó cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất. Cha mẹ cần có kỹ năng, tế nhị trong việc chăm sóc con cái, đặc biệt là những bậc cha mẹ lớn lên trong hoàn cảnh bản thân cũng bị ngược đãi hoặc bị bỏ rơi, thường có khuynh hướng trừng phạt con cái khi nhớ lại quá khứ, không có kinh nghiệm bù đắp lại những nỗi đau của bản thân để giúp cho con cái tránh đi vào vết xe đổ của mình đồng thời khó cung cấp cho trẻ những nhận thức đúng đắn về các nhu cầu trong giai đoạn phát triển giới tính bằng cách khuyến khích, động viên trẻ trao đổi với người lớn tất cả những suy nghĩ của mình đối với các vấn đề khó nói, ngay cả lĩnh vực quan hệ tình dục trước hôn nhân.

Xây dựng cộng đồng tạo cơ hội sống tích cực cho thanh niên, tạo ra các mối quan hệ xã hội tích cực cho vị thành niên bằng cách mở rộng các chương trình đào tạo, tăng cường các hoạt động ngoài giờ học, phát triển các chương trình giáo dục đồng đẳng, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên và các thành phần khác trong cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, tạo các sân chơi lành mạnh để thanh thiếu niên rèn luyện và phát triển nhân cách.

Tăng cường giáo dục về sức khỏe học đường bằng cách đưa chương trình giáo dục sức khỏe giới tính thành một môn học thường quy tùy theo từng cấp, lớp và đặc biệt cho các thiếu niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, có nhận thức hoặc phát triển kém. Bố trí giáo viên giáo dục sức khỏe, cải tiến các chương trình giáo dục và nâng cao trình độ kiến thức để tăng khả năng tiếp cận giữa thầy trò. Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và cộng đồng bằng cách khuyến khích sử dụng các phương tiện của nhà trường cho các hoạt động ngoài giờ học của thanh niên và cộng đồng, kêu gọi sự tham gia đóng góp của phụ huynh vào các hoạt động của nhà trường.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện tại nước ta đang có nhiều thay đổi lớn về kinh tế, xã hội, dân số đã đặt chúng ta trước những bước ngoặt quan trọng, vấn đề là phải làm sao để bảo đảm sự giúp đỡ cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong quá trình chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn. Để đạt được mục tiêu này, cần phải có sự cải tiến đáng kể về cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ, các hệ thống hỗ trợ ở cộng đồng. Nếu kết hợp được các nguồn lực trên đồng thời giải quyết nghiêm túc các yếu tố về văn hóa, kinh tế, xã hội, định hướng cho vấn đề sức khỏe vị thành niên, thì có rất nhiều tiềm năng để cải thiện tình trạng sức khỏe của vị thành niên cũng như của toàn xã hội.

Lê Thị Thoa: Trung tâm CSSKSS Khánh Hòa.
Theo nguồn: BS Dương Phương Mai - Khoa KHHGĐ - BV Từ Dũ

 

Liên kết